DMCA.com Protection Status

Series #TCTM – Bài 2: Cách lập ngân sách hiệu quả: Phương pháp và công cụ

·

·

lap-ngan-sach-hieu-qua

Lập ngân sách hiệu quả là gì? Trước hết, bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao mình kiếm tiền mỗi tháng nhưng vẫn luôn trong tình trạng “cháy túi”? Bạn có thể đang rơi vào vòng xoáy tài chính mà rất nhiều người mắc phải! Đó là  kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu mà không có kế hoạch cụ thể.

Theo một khảo sát của Ngân hàng Thế giới (World Bank), khoảng 69% người trưởng thành tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương không có kế hoạch tài chính cá nhân rõ ràng, dẫn đến tình trạng căng thẳng tài chính kéo dài. Riêng tại Việt Nam, theo báo cáo của Visa năm 2023, chỉ 16% người dân có thói quen lập ngân sách hàng tháng, còn lại phần lớn chi tiêu theo cảm tính và thiếu kiểm soát. Điều này có thể khiến nhiều người gặp khó khăn khi có các tình huống tài chính khẩn cấp. Hoặc khi muốn đạt được mục tiêu lớn như mua nhà, đầu tư hay nghỉ hưu sớm.

Tiếp tục series TÀI CHÍNH THÔNG MINH (#TCTM) với các bài viết hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, với mục tiêu cùng bạn đọc tìm hiểu và thực hành xây dựng tài chính cá nhân phù hợp. Chủ đề tiếp theo mà KhanhManor muốn gửi đến bạn đó là việc lập ngân sách hiệu quả.

Lập ngân sách không có nghĩa là sống khổ sở hay từ bỏ những niềm vui nhỏ. Đó là một phương pháp giúp bạn kiểm soát tài chính thông minh hơn, đạt được mục tiêu nhanh hơn và giảm thiểu rủi ro tài chính. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá tại sao lập ngân sách là chìa khóa thành công, các phương pháp hiệu quả và những công cụ hữu ích giúp bạn quản lý tài chính một cách chủ động.

1. Tại sao cần lập ngân sách hiệu quả?

Bạn có biết rằng theo một khảo sát của Báo Tuổi Trẻ, gần 50% người Việt cảm thấy căng thẳng về tài chính hàng tháng vì không biết tiền của mình đã đi đâu? Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân mà còn khiến họ khó đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn.

Lập ngân sách không chỉ giúp bạn tránh những tình huống căng thẳng tài chính, mà còn mang lại nhiều lợi ích lâu dài:

  • Kiểm soát chi tiêu – Bạn sẽ biết tiền của mình đi đâu và hạn chế các khoản chi không cần thiết.
  • Tạo động lực tiết kiệm – Khi có ngân sách rõ ràng, bạn sẽ dễ dàng dành một phần thu nhập cho quỹ tiết kiệm và đầu tư.
  • Hạn chế nợ nần – Khi có kế hoạch chi tiêu hợp lý, bạn sẽ tránh được tình trạng vay mượn quá mức.
  • Đạt được mục tiêu tài chính – Ngân sách giúp bạn hoạch định các kế hoạch dài hạn như mua nhà, du lịch hay nghỉ hưu sớm.
lap-ngan-sach-hieu-qua-5
Lập ngân sách hiệu quả để tránh tình huống căng thẳng tài chính.

2. Các phương pháp lập ngân sách phổ biến

Bạn có thể đã từng nghe qua nhiều cách lập ngân sách, nhưng đâu là phương pháp phù hợp nhất với bạn? Dưới đây là 03 phương pháp tiêu biểu bạn nên tham khảo.

a. Phương pháp 50/30/20 – Đơn giản mà hiệu quả

Đây là cách chia thu nhập thành ba nhóm:

  • 50%: Chi tiêu thiết yếu (tiền thuê nhà, ăn uống, hóa đơn…)
  • 30%: Chi tiêu cá nhân (giải trí, du lịch, mua sắm…)
  • 20%: Tiết kiệm và đầu tư

***Ví dụ thực tế: Nếu bạn có thu nhập 15 triệu/tháng, bạn sẽ phân bổ 7.5 triệu cho chi phí sinh hoạt, 4.5 triệu cho sở thích cá nhân3 triệu để tiết kiệm hoặc đầu tư. Đây là phương pháp lập ngân sách hiệu quả phổ biến với người có thu nhập ổn định.

  • Ưu điểm: Dễ thực hiện, không cần theo dõi chi tiết từng khoản chi.
  • Nhược điểm: Không phù hợp nếu bạn có thu nhập không ổn định hoặc chi phí thiết yếu quá cao.

b. Phương pháp Kakeibo – Nghệ thuật quản lý tiền của người Nhật

Kakeibo là một phương pháp truyền thống giúp bạn suy nghĩ kỹ trước khi chi tiêu bằng cách đặt ra 4 câu hỏi:

  1. Bạn có bao nhiêu tiền?
  2. Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu?
  3. Bạn đang chi tiêu vào những gì?
  4. Bạn có thể cải thiện điều gì?

**Ví dụ thực tế: Người Nhật thường ghi chép lại tất cả các khoản chi tiêu vào sổ, sau đó xem xét lại vào cuối tháng để tìm cách tối ưu chi tiêu. Nhờ cách lập ngân sách hiệu quả này, tỷ lệ tiết kiệm của người Nhật luôn thuộc hàng cao nhất thế giới.

  • Ưu điểm: Giúp bạn ý thức hơn về tài chính và tránh chi tiêu không cần thiết.
  • Nhược điểm: Yêu cầu ghi chép tỉ mỉ, có thể mất thời gian.

c. Phương pháp Zero-Based Budgeting – Ngân sách bằng 0

Với phương pháp này, bạn lên kế hoạch cho từng đồng tiền mình có, sao cho tổng thu nhập trừ đi chi tiêu bằng 0. Mọi khoản tiền đều có mục đích rõ ràng, kể cả quỹ dự phòng hay đầu tư.

**Ví dụ thực tế: Nếu bạn kiếm được 20 triệu/tháng, bạn sẽ lập kế hoạch chi tiết sao cho tổng các khoản chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư bằng đúng 20 triệu, không để lại “tiền dư” mà không có mục đích.

  • Ưu điểm: Kiểm soát tài chính cực kỳ chi tiết.
  • Nhược điểm: Mất nhiều thời gian để theo dõi và điều chỉnh.
lap-ngan-sach-hieu-qua-4
Chọn phương pháp lập ngân sách hiệu quả phù hợp với bạn.

3. Công cụ hỗ trợ lập ngân sách hiệu quả cho các cá nhân

Nếu bạn không muốn ghi chép thủ công, hãy thử một số công cụ sau:

  • Money Lover: Ứng dụng phổ biến ở Việt Nam, giúp theo dõi chi tiêu theo danh mục.
  • Misa Money Keeper: Ứng dụng quản lý chi tiêu hiệu quả cho người Việt.
  • Excel/Google Sheets: Nếu bạn thích kiểm soát bằng tay, đây là một công cụ miễn phí và linh hoạt.
  • Ứng dụng ngân hàng Timo: App có chức năng chia hũ chi tiêu nên bạn có thể giới hạn chi tiêu cho từng khoản theo giới hạn đã thiết lập.
lap-ngan-sach-hieu-qua-3
Hiện nay có rất nhiều công cụ quản lý chi tiêu. Riêng mình khuyên bạn nên sử dụng Google Sheet để dễ dàng nhập và quản lý chi tiêu.

4. Làm sao để duy trì việc lập ngân sách hiệu quả?

  • Ghi chép thường xuyên – Dành ít nhất 10 phút mỗi tuần để xem xét ngân sách.
  • Điều chỉnh linh hoạt – Nếu một tháng chi tiêu quá tay, hãy bù lại vào tháng sau.
  • Đặt mục tiêu cụ thể – “Tiết kiệm 10 triệu trong 3 tháng” thay vì “Cần tiết kiệm tiền”.
  • Tạo động lực – Khi đạt được một cột mốc tiết kiệm, hãy tự thưởng cho mình một điều nhỏ.

5. Những mô hình và case study thành công về lập ngân sách hiệu quả

Nhiều người trên thế giới đã áp dụng các phương pháp lập ngân sách hiệu quả và đạt được tự do tài chính. Dưới đây là một số câu chuyện thực tế truyền cảm hứng mà bạn nên tìm hiểu.

a. Câu chuyện của Warren Buffett – Chi tiêu ít hơn số kiếm được

Tỷ phú Warren Buffett, dù sở hữu tài sản hàng trăm tỷ USD, vẫn sống trong căn nhà mua từ năm 1958 với giá chỉ 31.500 USD. Ông không mua siêu xe hay sắm sửa xa hoa mà tập trung vào đầu tư và tích lũy tài sản. Nguyên tắc cốt lõi của Buffett là: “Đừng tiết kiệm số tiền còn lại sau khi chi tiêu, hãy chi tiêu số tiền còn lại sau khi tiết kiệm.”

>>> Bài học rút ra: “Tiết kiệm trước, chi tiêu sau” – Dù thu nhập cao hay thấp, hãy luôn dành một phần tiền cho tiết kiệm và đầu tư trước khi tiêu xài.

b. Mô hình FIRE – Financial Independence, Retire Early (Tự do tài chính, nghỉ hưu sớm)

FIRE là phong trào nổi lên mạnh mẽ ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và đang được nhiều người Việt áp dụng. Nguyên tắc của FIRE trong lập ngân sách hiệu quả là:

  • Tiết kiệm ít nhất 50%-70% thu nhập

  • Đầu tư vào các tài sản tạo dòng tiền thụ động (chứng khoán, bất động sản, kinh doanh… )

  • Duy trì lối sống tối giản để không tiêu xài hoang phí

  • Khi tổng tài sản đủ lớn, bạn có thể nghỉ hưu sớm và sống nhờ thu nhập từ đầu tư

**Ví dụ thực tế: Tại Việt Nam, nhiều người trẻ theo đuổi FIRE bằng cách tiết kiệm 50% thu nhập, đầu tư vào chứng khoán, quỹ ETF và bất động sản để có dòng tiền thụ động. Một số người đã đạt tự do tài chính và nghỉ hưu ở tuổi 35-40.

>>> Bài học rút ra: Hãy đặt ra mục tiêu tài chính dài hạn và sử dụng ngân sách cá nhân như một công cụ để đạt được sự tự do sớm hơn.

c. Case study về lập ngân sách hiệu quả từ Nhật Bản – Triết lý “Tiền nhỏ, quyết định lớn”

Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới, khoảng 23% thu nhập hàng năm của hộ gia đình (theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản). Điều này có được nhờ triết lý tài chính Kakeibo – tập trung vào việc theo dõi từng khoản chi nhỏ và suy nghĩ kỹ trước khi tiêu tiền.

**Ví dụ thực tế: Một nhân viên văn phòng Nhật Bản có thể lập ngân sách hiệu quả như sau:

  • Thu nhập: 250.000 yên/tháng (~40 triệu VNĐ)

  • Chi phí thiết yếu: 100.000 yên (40%)

  • Chi tiêu cá nhân: 50.000 yên (20%)

  • Tiết kiệm & đầu tư: 100.000 yên (40%)

>>> Bài học rút ra: Dù thu nhập cao hay thấp, bạn có thể lập ngân sách hiệu quả nếu tuân thủ kỷ luật tài chính và điều chỉnh chi tiêu phù hợp với mục tiêu.

lap-ngan-sach-hieu-qua-2
Hãy tham khảo các case study để xem lợi ích mà việc lập ngân sách tài chính cá nhân hiệu quả mang lại.

Hãy sử dụng hiệu quả ngân sách của bạn!

Kiểm soát tài chính không phải là điều xa vời hay phức tạp. Bất kể bạn là sinh viên, nhân viên văn phòng hay người kinh doanh, chỉ cần áp dụng các phương pháp lập ngân sách phù hợp, bạn sẽ từng bước xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc. Hiện nay có nhiều công cụ cũng như case study thực tế, hãy tham khảo và tìm ra cách lập ngân sách hiệu quả cho phù hợp với cá nhân bạn nhé. Bài viết này chỉ hướng đến đối tượng cá nhân, nên các chủ doanh nghiệp có ngân sách lớn thì sẽ có những phương pháp khác chuyên biệt hơn nhé.

Bạn đã thử áp dụng phương pháp lập ngân sách hiệu quả nào chưa? Nếu có các đề xuất và đóng góp cho bài viết trọn vẹn và thiết thực hơn, hãy liên hệ KhanhManor qua email để cùng trao đổi nhé.

>>> Hãy tiếp thục theo dõi các bài viết trong series TÀI CHÍNH THÔNG MINH trên blog KhanhManor bạn nhé.



DMCA.com Protection Status