Tài chính cá nhân

Làm sao để lập mục tiêu tài chính tương lai?

Bạn cần lập mục tiêu tài chính tương lai? Bạn muốn đảm bảo an toàn tài chính cho hiện tại và mai sau? Tuy nhiên, việc đặt ra và đạt được mục tiêu tài chính không phải là điều dễ dàng. Trong khi đó, mục tiêu tài chính của mỗi người là khác nhau nên mỗi người cần có kế hoạch riêng.

Ở bài viết này, KhanhManor sẽ chia sẻ về mục tiêu tài chính và gợi ý những bước để đạt được chúng.

1. Định nghĩa mục tiêu tài chính

Theo các nguồn mình tìm hiểu, mục tiêu tài chính được hiểu là một sự định hướng về tài chính mà mỗi người mong muốn đạt được trong tương lai. Đây có thể là một số tiền tiết kiệm cho mục đích hưu trí, tiền đóng góp để mua một ngôi nhà mới hoặc một chiếc xe hơi. Hay thậm chí là sự tự do tài chính để thực hiện những ước mơ của bạn…

2. Tại sao mục tiêu tài chính quan trọng?

Nhắc đến tài chính thì không thể bỏ qua chữ “tiền”. Định nghĩa về tầm quan trọng của tiền thì chắc mỗi người sẽ tự có câu trả lời rồi. Tiền giúp bạn ổn định tài chính, không bị áp lực về kinh tế. Tiền có thể cho bạn một cuộc sống tốt hơn, được ăn ngon, mặc đẹp, mang đến chất lượng cuộc sống tốt nhất, sự hạnh phúc và yên ấm… Tùy cảm nhận của mỗi cá nhân thôi, còn tài chính cũng chỉ là một khái niệm bao quát hơn về tiền.

Từ đó, việc thiết lập mục tiêu tài chính có thể mang đến những lợi ích quan trọng như:

  • Tự do tài chính: Đạt được mục tiêu tài chính giúp cho chúng ta có sự tự do tài chính, tức là chúng ta có thể quản lý tài chính một cách độc lập và không phụ thuộc vào người khác, chủ động định hướng cuộc sống của mình một cách chặt chẽ hơn.
  • Tăng cường sự tự tin: Việc đạt được mục tiêu tài chính cũng giúp cho chúng ta tăng cường sự tự tin, tăng động lực và sự hài lòng về cuộc sống của mình.
  • Giảm thiểu căng thẳng: Đạt được mục tiêu tài chính cũng giúp chúng ta giảm thiểu căng thẳng về tài chính và cải thiện tâm trạng của mình.
  • Ngoài ra, mục tiêu tài chính cũng giúp cho chúng ta có thể quản lý tài chính hiệu quả hơn và phòng tránh những sai sót không đáng có.
muc-tieu-tai-chinh_1
Lập mục tiêu tài chính đóng vai trò quan trọng mà bạn không thể xem nhẹ.

>> Xem thêm: Hiểu thêm về tài chính cá nhân và các bước quản lý cơ bản

3. Các bước để đạt được mục tiêu tài chính

3.1. Xác định mục tiêu tài chính

Mục tiêu của bạn phải được đặt ra rõ ràng, cụ thể và có thể đo lường được. Ví dụ, nếu mục tiêu là tiết kiệm đủ tiền để mua một ngôi nhà, thì chúng ta cần xác định được số tiền cần tiết kiệm và thời gian để đạt được mục tiêu đó.

3.2. Lập kế hoạch tài chính

Về cơ bản, kế hoạch tài chính gồm các bước sau:

  • Xác định thu nhập và chi phí hàng tháng
  • Xác định mức tiết kiệm hàng tháng để đạt được mục tiêu tài chính
  • Tìm kiếm các cách để tăng thu nhập hoặc giảm chi phí hàng tháng
  • Đầu tư khoản tiết kiệm vào các công cụ tài chính phù hợp như trái phiếu, cổ phiếu hoặc quỹ đầu tư
  • Theo dõi kế hoạch tài chính sát sao để kịp thời điều chỉnh khi cần thiết…

Cuộc đời là của bạn, mục tiêu tài chính là của bạn nên kế hoạch cụ thể ra sao hãy cân nhắc sao cho phù hợp nhất nhé.

3.3. Giữ vững và theo dõi kế hoạch

Bạn cần tuân thủ các quy tắc tài chính như tiết kiệm tiền, trả nợ và tăng thu nhập. Theo dõi kế hoạch tài chính cũng giúp bạn nhận ra các vấn đề sớm và điều chỉnh kế hoạch của mình nếu cần thiết.

muc-tieu-tai-chinh_2
Lập kế hoạch mục tiêu tài chính để bạn hình dung rõ bức tranh mà bạn thực sự muốn trong tương lai.

4. Gợi ý thiết lập mục tiêu về tài chính

4.1. Lập mục tiêu tài chính ngắn hạn – short-term financial goals

Việc đặt ra các mục tiêu tài chính ngắn hạn sẽ giúp bạn có nền tảng và sự tự tin vững chắc. Từ đó, bạn dần dần mài dũa bản thân và có cơ hội đạt được mục tiêu lớn hơn. “Dục tốc bất đạt”, càng đặt mục tiêu cao thì bạn cần phải có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng.

Một số bước lập mục tiêu ngắn hạn gồm:

  • Thiết lập ngân sách thu chi: sử dụng các app theo dõi thu chi, liên tục kiểm tra sao kê ngân hàng và các hóa đơn hoặc thậm chí ghi sổ thủ công cũng là cách hay. Như vậy, bạn sẽ đánh giá được khả năng chi trả và tìm ra cách tối ưu ngân sách của bản thân.
  • Tạo một quỹ khẩn cấp: là số tiền bạn dành riêng để chi trả cho những chi phí bất ngờ. Ví dụ như gặp dịch Covid-19, thất nghiệp hay bệnh tật… bạn nhất định sẽ cần đến khoản tiền dự phòng này. Để tài trợ quỹ khẩn cấp này, bạn có thể cân nhắc việc cắt giảm ít nhất một thứ trong ngân sách chi tiêu. Mặc dù có thể bạn cũng có những mục tiêu tiết kiệm khác, chẳng hạn như tiết kiệm để nghỉ hưu, nhưng việc tạo quỹ khẩn cấp nên là ưu tiên hàng đầu. Chính tài khoản tiết kiệm này tạo ra sự ổn định tài chính mà bạn cần để đạt được các mục tiêu khác của mình.
  • Thanh toán thẻ tín dụng: bạn nên trả hết nợ thẻ tín dụng trước vì tiền lãi rất tốn kém, mục tiêu tài chính khác cũng khó đạt được hơn. Có một giải pháp bạn nên tham khảo, đó là bạn hãy trả hết các khoản nợ của mình theo thứ tự từ nhỏ nhất đến lớn nhất, bất kể lãi suất bao nhiêu. Khi đó, cảm giác trả được khoản nợ nhỏ nhất sẽ cho bạn động lực để giải quyết khoản nợ tiếp theo, v.v. cho đến khi bạn không còn nợ.
muc-tieu-tai-chinh_3
Mục tiêu tài chính ngắn hạn là cơ sở cho bạn đạt được các lợi ích lâu dài.

4.2. Lập mục tiêu tài chính trung hạn – midterm financial goals

Những mục tiêu trung hạn này sẽ tạo cầu nối giữa các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn của bạn.

  • Mua bảo hiểm nhân thọ: Bạn có vợ/chồng hoặc con cái phụ thuộc vào thu nhập của bạn không? Nếu vậy, bạn cần bảo hiểm nhân thọ để cung cấp cho họ trong trường hợp bạn qua đời sớm. Hoặc ít nhất là có BHNT cho các trường hợp bạn gặp bất trắc.
  • Trả hết các khoản vay sinh viên: Các khoản vay sinh viên là lực cản lớn đối với ngân sách hàng tháng của nhiều người. Hãy giảm hoặc loại bỏ các khoản thanh toán đó có thể giải phóng tiền mặt giúp bạn dễ dàng tiết kiệm cho hưu trí và đáp ứng các mục tiêu khác của mình.
  • Cân nhắc ngân sách cho mỗi mục tiêu: Các mục tiêu trung hạn có thể là mua một ngôi nhà đầu tiên,  tiền sinh hoạt phí khi vợ sinh em bé, tiền học phí cho con vào đại học… Từ đó, hãy bắt đầu tìm hiểu xem bạn cần tiết kiệm bao nhiêu để đạt được mục tiêu đó.
muc-tieu-tai-chinh_4
Mục tiêu tài chính trung hạn giúp bạn giải quyết các vấn đề tồn đọng.

4.3. Lập mục tiêu tài chính dài hạn – longterm financial goals

Sau cùng, các mục tiêu tài chính phải hướng đến khoảng thời gian mà bạn không còn sức lao động nữa. Đó chính là tài chính cho kỳ nghỉ hưu.

Khi đó, mục tiêu của bạn nên là:

  • Ước tính nhu cầu nghỉ hưu: Bạn nên tiết kiệm 10% đến 15% của mỗi khoản tiền lương (thu nhập từ công việc, chính sách An sinh xã hội, lương hưu…). Để đảm bảo tiết kiệm đủ, bạn cần tính xem mình thực sự cần bao nhiêu tiền khi nghỉ hưu.
  • Tăng tiết kiệm hưu trí: kiểm tra các “con nợ” của bạn, các khoản đầu tư sinh lời hoặc khoản chu cấp từ con cháu, cân nhắc thu chi và cắt giảm khoản chi không cần thiết…
muc-tieu-tai-chinh_5
Các mục tiêu tài chính cho giai đoạn hưu trí được liệt kê vào kế hoạch dài hạn.

Đạt được mục tiêu tài chính là một quá trình dài và đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực. Tuy nhiên, nếu chúng ta xác định mục tiêu rõ ràng, lập kế hoạch tài chính phù hợp và theo đuổi bền bỉ, chúng ta có thể tận hưởng những lợi ích mà nó mang lại.

Trên đây là một số chia sẻ chi tiết về mục tiêu tài chính cá nhân. Hy vọng rằng bài viết đã giúp ích cho bạn trong việc lập kế hoạch tài chính và đạt được mục tiêu tài chính của mình. Tuy nhiên, KhanhManor cũng nhắn nhủ rằng, đây chỉ là những chia sẻ chung và bạn cần tùy chỉnh theo trường hợp của bạn.

Chúc bạn thành công trong việc đạt được mục tiêu tài chính cá nhân!

P/s: Bài viết được nghiên cứu, tổng hợp thông tin tham khảo từ Investopedia