Khi bước chân vào công ty, ai cũng mong muốn dành hết thời gian cho công việc chứ không phải dính dáng đến chuyện thị phi chốn công sở, đặc biệt khi chính mình là nhân vật bị bàn tán. Bên cạnh đó, việc bảo vệ đời tư, những câu chuyện cá nhân là một trong những điều cần lưu ý để xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp ở nơi làm việc.
Nếu không tham gia vào các buổi trò chuyện với đồng nghiệp, bạn thường bị đánh giá là người thiếu hoạt ngôn, không năng động. Thậm chí bạn còn bị xem như người thích sống tách biệt tại công sở. Vậy nên, bạn cần phải có cách thiết lập các ranh giới hợp lý, phân biệt rõ ràng cuộc sống riêng tư và cuộc sống công sở. Nhờ đó, bạn có thể đảm bảo sự kín đáo về cuộc sống riêng của mình.
Phân biệt chuyện đời tư và chuyện công việc
Hãy xác định những chuyện nên và không nên nói
Bạn nên lập một danh sách về những chủ đề không nên nói ở công ty. Việc phân định rạch ròi này sẽ giúp bạn tránh được những tình huống lỡ lời khó xử. Tuy nhiên, bạn cần dựa vào văn hóa của mỗi công ty và quan điểm của bản thân để tạo cho mình một danh sách đen cho riêng biệt.
Trong danh sách này, các chủ đề cần tránh không nên nói tới: chuyện bí mật gia đình, tôn giáo, tình yêu, thói quen vui chơi, việc làm cá nhân, bí mật của bản thân,… Để mỗi khi nói chuyện phiếm với đồng nghiệp, bạn có thể viện cớ rút ra khỏi cuộc trò chuyện về chủ đề bạn muốn tránh, hoặc không muốn chia sẻ để bảo vệ đời tư của mình.
Bạn cũng đừng lo lắng vì sợ thiếu chủ đề nói chuyện. Chúng ta có thể bàn về những chủ đề xảy ra xung quanh chúng ta: đọc sách, bộ phim hấp dẫn, công việc,.. Những câu hỏi mang tính riêng tư gây ảnh hưởng tới cuộc sống riêng của bạn, bạn có thể lựa chọn từ chối trả lời chúng. Bởi vì pháp luật vẫn luôn bảo vệ quyền lợi riêng tư của mỗi cá nhân.
>> Đọc thêm: Hiểu về lối sống tối giản – giúp bạn thêm gợi ý về cách bảo vệ đời tư công sở
Hạn chế thể hiện cảm xúc cá nhân ở nơi làm việc
Những cảm xúc phấn khích hay là tiêu cực của bạn nếu thể hiện ở nơi công cộng thông thường sẽ bị mọi người đánh giá. Có thể bạn vừa trải qua những chuyện không vui trong cuộc sống. Đơn cử như gia đình bạn đang gặp rắc rối, bạn và người yêu đang chiến tranh với nhau, bạn làm rơi mất ví tiền, bạn có một cuộc tranh cãi với sếp… Hoặc, bạn gặp được những chuyện vui trong cuộc sống như: bạn nhận thêm được một công việc nữa, công việc bạn hằng mong ước hoặc là bạn trúng xổ số độc đắc, số tiền giúp bạn được thoải mái trong 2-3 năm,…
Tất cả những cảm xúc được bộc lộ ra của bạn sẽ kích thích trí tò mò của đồng nghiệp. Đôi khi câu chuyện không rõ ràng và mập mờ lại là những “tư liệu hấp dẫn” để những kẻ buôn chuyện thỏa sức thêu dệt thành “tam sao thất bản”.
Việc bảo vệ đời tư bằng cách che giấu cảm xúc không phải là điều dễ dàng. Bạn cũng không thể nào xin nghỉ 1 ngày chỉ để giải tỏa những cảm xúc, hoặc là tức khắc chạy về nhà để xả một trận. Ngồi vào bàn làm việc và gõ mạnh vào bàn phím cũng gây ảnh hưởng tới người khác. Bạn nên biết rằng khi bạn xảy ra chuyện, sẽ có hàng tá con mắt và những chiếc lỗ tai được dựng đứng chỉ để hóng hớt câu chuyện cùng với những lời bạn định tuôn ra.
Vậy nên, cách hiệu quả nhất lúc này, bạn có thể chọn những nơi kín đáo như hành lang đi bộ hay nhà vệ sinh để giải tỏa, nên nhớ là chỉ ở mức độ vừa phải. Mỗi buổi sáng, trước khi bước ra khỏi cửa nhà, bạn có thể một hơi thật sâu và thở ra. Đây cũng là phương pháp giúp bạn lấy lại tinh thần và bỏ lại những cảm xúc tiêu cực để bắt đầu một ngày mới.
Những cuộc gọi cá nhân
Bảo vệ đời tư không chỉ cản phá những tác động bên ngoài đang chĩa mũi vào bạn, mà còn hạn chế yếu tố tác động đến từ chính bản thân mình. Đó là bạn cần phải tránh mang những chuyện riêng tư cá nhân tới công ty. Đồng nghĩa với việc bạn cần giảm thiểu mọi cuộc điện thoại và email cá nhân khi bạn đi làm.
Bạn có thể lắng nghe các cuộc gọi khẩn cấp từ gia đình. Nhưng không nên dùng điện thoại, Facebook, Zalo chỉ để chat hoặc gọi điện tán phét với bạn bè. Hay, những email từ những việc cá nhân của bạn, cũng không nên kiểm tra thường xuyên trong giờ làm việc.
Duy trì sự chừng mực đối với các mối quan hệ trong công việc
Thân thiện
Dù bạn không muốn chia sẻ những chuyện đời sống riêng tư với đồng nghiệp, bạn vẫn có khả năng giúp mối quan hệ trong công việc được phát triển tốt đẹp. Bởi hầu hết những mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp cũng là một trong những động lực đi làm, giúp cho khoảng thời gian đi làm của bạn trở nên thú vị hơn.
Tìm kiếm các chủ đề trò chuyện không phải điều gì quá khó khăn. Bạn với đồng nghiệp có thể trò chuyện với nhau về những chủ đề khác: ẩm thực, sách báo, phim ảnh, TV,.. cũng là một trong những phương pháp tốt để tán gẫu và tạo độ thiện cảm cho đồng nghiệp mà không cần phải bàn về chuyện cá nhân.
Linh hoạt
Việc phân chia rạch ròi giữa đời sống riêng tư và công việc là chuyện quan trọng nhưng đôi khi mình cũng cần có sự linh hoạt để tránh việc bản thân bị cô lập. Nếu bạn có lời mời đi ăn hay đi uống từ đồng nghiệp sau giờ làm việc, hãy thỉnh thoảng tham gia cùng họ nhưng nên nhớ: nếu nó là chủ đề khiến bạn cảm thấy thoải mái.
Mạng xã hội
Công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển. Mọi người dùng mạng xã hội như một công cụ để kết nối và chia sẻ những câu chuyện cá nhân của mình. Vô hình trung những mạng xã hội như Facebook, Instagram,… lại trở thành vũ khí ảnh hưởng tới hình tượng chuyên nghiệp mà bạn muốn xây dựng ở nơi công sở. Bởi chỉ cần một nút nhấn theo dõi, mọi người có thể soi mói về đời tư của bạn.
Vậy nên, để bảo vệ đời tư, hãy hạn chế chia sẻ khoảnh khắc riêng tư. Bạn có thể lựa chọn sử dụng phương thức liên lạc khác cho đồng nghiệp chỉ để nói chuyện trong công việc. Còn những tài khoản mạng xã hội chính của bạn dùng để kết bạn với bạn bè. Nên nhớ, bạn không nên đăng nhập các tài khoản riêng tư trên thiết bị chung của công ty.
Có thể bạn đang vô tư khi cho rằng bảo vệ đời tư không mấy quan trọng. Rằng, dạn đi làm chỗ này rồi nhảy sang chỗ khác thì chẳng ai biết bạn là ai đâu. Nhưng, bạn nên nhớ, “Trái Đất này tròn lắm, đi một vòng cũng sẽ vô tình gặp lại người cũ”. Và khi đó, nếu bạn để lại hình ảnh tốt đẹp ở mỗi nơi đã rời đi, thì đây sẽ là chiếc “bùa hộ mệnh” giúp bạn có nhiều quý nhân sau này. Còn ngược lại, có khi những lời xì xào lại ngán chân bạn, và bạn phải tốn sức thanh minh khi chẳng biết còn cứu vãn được hay không.
Chúc bạn có cách ứng xử phù hợp nơi công sở nhé!